Con đường Các Mác đã vạch ra cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và con người mãi mãi là chân lý của loài người

Thứ Năm, ngày 5 tháng 5 năm 2022 - 08:13 Đã xem: 5670

Cách đây 204 năm, ngày 5/5/1818, tại thành phố Trier cổ kính, miền Tây nước Đức, trong gia đình luật sư Henrích Mác (Heinrich Marx), Các Mác (Karl Marx) đã được sinh ra. Để rồi 30 năm sau, năm 1848, một học thuyết khoa học giải phóng con người, giải phóng xã hội hoàn toàn mới, chính thức được ra đời và đã đưa Các Mác trở thành lãnh tụ vĩ đại và thiên tài của giai cấp công nhân thế giới. Con đường mà Các Mác đã vạch ra cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người mãi mãi là chân lý của loài người tiến bộ.

                          Các Mác. Ảnh tư liệu.                                       

Các Mác là một thiên tài tư tưởng mà năng lực trí tuệ của ông xứng đáng được coi là trí tuệ của một người khổng lồ của thời đại. Tư tưởng và sự nghiệp của Các Mác đã vượt qua mọi thử thách của thời gian, được nhiều thế hệ nhắc đến với tất cả sự khâm phục, ngưỡng mộ và tôn vinh. Ý chí, nghị lực, công phu lao động khổ luyện đó của Các Mác trong suốt cuộc đời đã để lại những thành quả vô cùng quan trọng [1].

Thứ nhất là về Triết học, Các Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới mà hạt nhân của nó là phép biện chứng duy vật. Ông khẳng định, lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển sản xuất, lịch sử những phương thức sản xuất kế tiếp nhau, cũng tức là lịch sử của những người sản xuất của cải vật chất, lịch sử của quần chúng Nhân dân lao động. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo quần chúng Nhân dân làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới, chế độ Cộng sản Chủ nghĩa.

Thứ hai là về Kinh tế chính trị học, Các Mác đã tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của xã hội tư bản. Một trong những phát hiện vĩ đại của Các Mác trong kinh tế chính trị học, là đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư. Các Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản và đấu tranh giai cấp chính là động lực phát triển xã hội.
     Thứ ba là về Chủ nghĩa Xã hội khoa học, Các Mác đã phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mác đã tìm ra quy luật vận động phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có sứ mệnh tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới, đó là giai cấp vô sản. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản phải đi tới thành lập chuyên chính vô sản và dùng nó làm công cụ để xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản.

Thứ tư, cống hiến đặc biệt của Các Mác là ông đã cùng Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels) thành lập các tổ chức Cộng sản đầu tiên trên thế giới như Liên đoàn những người cộng sản (1848), Quốc tế thứ nhất (1864), Quốc tế thứ hai (1889). Thông qua hoạt động trong phong trào và tổng kết thực tiễn, ông đã đặt nền móng vững chắc cho học thuyết về xây dựng Đảng của giai cấp công nhân quốc tế. Tuy còn sơ khai nhưng trong học thuyết của ông đã khẳng định Đảng của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản phải mang trong mình bản chất của giai cấp công nhân. Ông cũng là người nêu ra những quan điểm đầu tiên về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng cộng sản, thể hiện trong Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản, Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai với những nội dung chủ yếu về đoàn kết thống nhất trong Đảng, về mối quan hệ giữa các cơ quan lãnh đạo của Đảng với đội ngũ đảng viên, về kỷ luật của Đảng, về hệ tư tưởng của Đảng.
       Những quan điểm này đã được Lênin kế thừa, phát triển, hoàn chỉnh học thuyết về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân ngày nay. Nhờ học thuyết về xây dựng Đảng cộng sản của Mác, Ăngghen và Lênin, những người cộng sản trên toàn thế giới đã có hơn một thế kỷ hình thành phong trào công nhân quốc tế với các Đảng cộng sản kiểu mới và đã góp phần làm thay đổi bản đồ chính trị trên thế giới với những cột mốc vĩ đại như thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, những thành tựu xây dựng Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô-Đông Âu và các nước khác trên thế giới trong thập niên 40, 50, 60, 70 của thế kỷ XX.

Ngày nay, học thuyết của Mác nói chung và học thuyết về xây dựng Đảng nói riêng không những còn nguyên giá trị mà còn được các Đảng cộng sản ngày nay bổ sung thêm những nội dung mới, làm cho những quan điểm dẫn đường của Mác vẫn tiếp tục tỏa sáng.

Đối với Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành sức mạnh vật chất và di sản tinh thần quý báu, gắn liền với truyền thống yêu nước của dân tộc. Trên con đường đi tìm chân lý cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sớm tiếp thu ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc thuộc địa gắn chặt với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, lãnh đạo Nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Nhân dân ta đã tiếp tục giành được những thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 92 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước là nhờ sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Kiên định và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Mình chính là cội rễ làm nên mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam trong hành trình hơn 92 năm dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

 

  1. Kỷ niệm 202 năm ngày sinh Các Mác (5-5-2020): Giá trị trường tồn của tư tưởng Các Mác.  Trang thông tin điện tử, Hội đồng Lý luận trung ương, ngày 5/5/2020.

Đỗ Hồng Thanh

 

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 2570 | Trang: 1 trên tổng số 257 trang  
Xem tin theo ngày:   / /